Trong cái se lạnh lúc giao mùa, nhâm nhi tảng cơm cháy nóng hổi, giòn tan, cảm nhận vị thơm giòn như tan chảy trong miệng với vị ngọt ngậy của nước sốt, ngồi ngắm phố phường chộn rộn của vùng đất cố đô là một cái thú đặc biệt.
Vào khoảng thời gian giao mùa, còn có một thú vui đặc biệt dành cho khách: Dạo trên những con phố ở Ninh Bình vào những buổi chiều, ghé chân vào quán ăn bên đường quốc lộ 1, thưởng thức món cơm cháy đặc sản.
Cơm cháy là món ăn được nhiều người ưa chuộng khi đến vùng đất cố đô. Những quán cơm cháy không có gì quá đặc sắc, không hẳn sang trọng, mà chân chất, hồn hậu như những con người của mảnh đất này. Quán không nhiều món, nhưng cũng đủ chứa đựng những nét đặc trưng, tinh tế của ẩm thực Ninh Bình.
Bà chủ quán xởi lởi, kể câu chuyện truyền miệng về cơm cháy: Có từ hơn 100 năm, cơm cháy do một người thanh niên tên Hoàng Thăng học được từ người Trung Hoa. Sau đó trở về quê nhà, với bí quyết chế biến các món ngon, chàng trai mở một hàng ăn chuyên về cơm cháy.
Không rõ câu chuyện phảng phất dư vị xa xưa này thực hư thế nào, chỉ biết tới giờ cơm cháy đã trở thành một đặc sản của người dân đất cố đô. Cơm cháy được công nhận là món ngon kỷ lục Châu Á trong danh sách 10 món đặc sản nổi tiếng của Việt Nam, trở thành một món quà du lịch cho khách thập phương.
Những người mẹ, người vợ thường chỉ chế biến món cơm cháy trong những dịp cuối tuần, hay để mời khách phương xa, bởi cách làm món này cũng khá cầu kỳ. Để có được món cơm cháy ngon, người chế biến phải chọn gạo tẻ thơm, dẻo, pha thêm một chút gạo nếp hương cho đúng tỷ lệ, hoặc có thể thay thế bằng gạo tám thơm.
Để tạo xém, người nấu thường dùng loại nồi gang thật dày, nấu bằng than củi là ngon nhất. Khi cơm chín lấy ra, để lại một chút phần dính đáy nồi rồi tiếp tục để trên bếp ủ. Khoảng mấy chục phút, khi những hạt cơm đáy nồi đã chuyển sang màu vàng nhạt, lớp cơm cháy mỏng tự bong ra khỏi đáy nồi.
Thứ cơm ấy được đem phơi khô, cho vào túi nilon, dùng ăn dần. Khi ăn, người ta mới đem cơm chiên trong chảo mỡ hay dầu sôi tạo thành món cơm có màu vàng, giòn mà vẫn dẻo. Ngày nay, nhiều người không cầu kỳ như vậy nữa mà đem cơm cho vào lò vi sóng, hay lò nướng, vẫn có được thứ cơm cháy thơm ngon.
Món cơm cháy đậm đà phải đi kèm với nước sốt ngon. Thịt bò hoặc tim, cật lợn xào với hành tây, nấm rơm, cà rốt và cà chua tạo, thêm chút bột dong để đủ độ sánh tạo nên thứ nước sốt sóng sánh mùi mỡ hành.
Cũng có người chế biến nước sốt từ thịt dê núi tạo nên sự kết hợp độc đáo. Nước sốt ăn kèm thường có vị cay, thơm, ngấm vào miếng cơm cháy mà vẫn cảm nhận vị giòn tan trong miệng.
Để tiện lợi cho du khách khi mua cơm cháy làm quà phương xa, món ăn này ngày nay thường được chế biến với ruốc (chà bông), cũng tạo nên mùi vị rất riêng